thumbnail
Channel logo
Chi Hội Blockchain TP.HCM
Save
Copy link

Fan thất vọng với cách G-Dragon ứng dụng NFT

NFT là ứng dụng tiềm năng cho ngành âm nhạc nếu được triển khai đúng định hướng.
Channel logo
Chi Hội Blockchain TP.HCM
Published Jun 20 2025
6 min read

Ngày 21/6, G-Dragon sẽ khuấy động Việt Nam với concert VP Bank KStar Spark. Điểm đặc sắc của sự kiện này còn được lan toả hơn khi hàng loạt thương hiệu hưởng ứng thay ảnh đại diện từ lấy cảm hứng từ hoa cúc PEACEMINUSONE (PMO Daisy). Đây là biểu tượng gắn liền với thương hiệu thời trang của G-Dragon.

Bộ NFT gây tranh cãi của G-Dragon

Hồi tháng 3/2023, G-Dragon, thủ lĩnh nhóm Big Bang từng gây chú ý trong cộng đồng tiền mã hóa khi ra mắt bộ sưu tập NFT “Archive of PEACEMINUSONE” trên nền tảng OpenSea. Bộ sưu tập này gồm 13,444 NFT được thiết kế dưới dạng các mảnh ghép tạo thành bức tranh “Archive 2016” do chính G-Dragon vẽ, thể hiện câu chuyện cuộc đời và sự phát triển cá nhân của anh.

NFT (Non-Fungible Token) là một loại tài sản số độc nhất được mã hóa trên blockchain, đại diện cho quyền sở hữu các vật phẩm kỹ thuật số hoặc tài sản thực như tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc, vé sự kiện, bất động sản và nhiều loại tài sản khác.

Mỗi NFT có một định danh riêng biệt, không thể thay thế hoặc hoán đổi trực tiếp với NFT khác, đảm bảo tính độc nhất và xác thực quyền sở hữu của người dùng. Nhờ công nghệ blockchain, thông tin về tác giả, lịch sử giao dịch và quyền sở hữu NFT luôn được công khai, minh bạch và không thể chỉnh sửa.

Bộ sưu tập NFT của G-Dragon được mở bán theo nhiều vòng, giá khởi điểm bắt đầu từ 88 USD cho đợt mở bán đầu tiên. Tiếp theo là các đợt có số lượng ít hơn nhưng giá cao hơn, 1,888 NFT được bán với giá 288 USD ở vòng 2. Vòng cuối cùng phát hành 654 NFT ở mức 488 USD.

image
Bộ sưu tập NFT của G-Dragon kén người mua.

Ngoài giá trị sưu tầm, đội ngũ dự án hứa hẹn sẽ cung cấp hàng loạt lợi ích cho người sở hữu NFT như cơ hội nhận vé concert, quyền mua các mặt hàng lưu niệm bản giới hạn và giấy chứng nhận có chữ ký của G-Dragon. Tuy nhiên, những lợi ích này bị giới hạn số lượng, chỉ dành cho những người may mắn nhất.

Sau 2 năm mở bán NFT, người dùng vẫn chưa nhận được lợi ích nào như hứa hẹn của dự án. Khi đặt câu hỏi về vấn đề này trên nhóm cộng đồng Fandom Studio, người dùng chỉ nhận được biểu mẫu thu thập thông tin cá nhân để xác thực đang nắm nắm giữ NFT, kèm lời xin lỗi và cảm ơn vì đã ủng hộ G-Dragon.

Đến nay, bộ sưu tập của G-Dragon đã bị gỡ bỏ khỏi sàn giao dịch OpenSea khiến người dùng mất niềm tin. Theo dữ liệu trên blockchain, giao dịch bán gần nhất được thực hiện vào gần 1  tháng trước, với giá 73.49 USD/NFT thông qua nền tảng Element. Giá sàn của bộ sưu tập này dao động quanh 63 USD trên sàn giao dịch OKX NFT nhưng kén người mua và thiếu thanh khoản.

Giải pháp tốt hơn cho G-Dragon

Bộ NFT này cũng đã ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của G-Dragon trong mắt người hâm mộ và giới đầu tư crypto. Dù vậy, NFT vẫn được đánh giá là một lĩnh vực công nghệ số đầy tiềm năng, có thể mang lại nhiều giá trị trong tương lai nếu được quản lý và phát triển đúng hướng.

Thông qua công nghệ blockchain, NFT giúp xác thực quyền sở hữu duy nhất đối với các tác phẩm âm nhạc số như bài hát, album, hoặc các sản phẩm đi kèm như card bo góc hay vé concert. NFT là công cụ giúp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tạo thêm nguồn thu nhập mới cho nghệ sĩ.

Nhờ cơ chế phí bản quyền (royalties), nghệ sĩ sẽ nhận thêm nguồn thu nhập thụ động sau mỗi giao dịch trên thị trường thứ cấp. DJ 3LAU, nhà sản xuất âm nhạc điện tử từng tổ chức phiên đấu giá 33 NFT kỷ niệm 3 năm album “Ultraviolet”. Tổng doanh thu từ phiên đấu giá lên đến 11.6 triệu USD, mức giá cao nhất mọi thời đại cho một bộ sưu tập NFT âm nhạc.

Người mua NFT với giá cao nhất được quyền hợp tác sáng tác bài hát mới cùng 3LAU. Ngoài ra, các NFT còn đi kèm đĩa vinyl đặc biệt, nhạc chưa phát hành trên thị trường và các trải nghiệm độc quyền khác.

image
Chiếc đĩa than tặng kèm khi mua album NFT của DJ 3LAU.

Ngoài DJ 3LAU, Snoop Dogg, một rapper nổi tiếng trong giới HipHop thế giới phát hành album NFT mang tên B.O.D.R. Album này được chia thành 17 track dưới dạng NFT. Những fan sở hữu đủ 17 bài nhạc trong album sẽ nhận được nhiều đặc quyền như vé tham gia các buổi nghe nhạc riêng tư, trải nghiệm tiệc nướng tại nhà Snoop Dogg cùng các vật phẩm độc quyền khác.

Đợt mở bán album NFT của Snoop Dogg mang lại mức doanh thu khủng, dao động khoảng 44.3 triệu USD vào thời điểm đó. Theo dữ liệu từ sàn giao dịch OpenSea, tổng khối lượng giao dịch trên thị trường thứ cấp của bộ sưu tập này hiện đạt 3.83 triệu USD. Các số liệu này cho thấy NFT là một thị trường đầy tiềm năng cho lĩnh vực âm nhạc số.

RELEVANT SERIES